Nhiếp Ảnh Iso – Tốc Độ – Khẩu Độ

ISO – TỐC ĐỘ – KHẨU ĐỘ CHO NGƯỜI MỚI CẦM MÁY

Mỗi bức ảnh được tạo nên bởi cảm biến quang trên máy ảnh kỹ thuật số, tiếp xúc với ánh sáng trong khuôn hình muốn chụp. Để quyết định một bức ảnh đúng sáng, trong nhiếp ảnh sử dụng 3 yếu tố cơ bản là tốc độ cửa trập (Shutter speed), khẩu độ của ống kính (Aperture) và độ nhạy của phim hay cảm biến (ISO). Hiểu, làm chủ và sử  dụng thành thạo 3 yếu tố này một cách hữu hiệu chính là phần quan trọng nhất để phát triển tài nghệ của một nhiếp ảnh gia.

I – KHẨU ĐỘ CỦA ỐNG KÍNH – APERTURE

Khẩu độ  tốc độ cửa trập là hai thông số rất quan trọng trên máy. Kết hợp hai mức tùy chỉnh này không chỉ ảnh hưởng tới lượng ánh sáng sẽ đi vào thấu kính để phơi sáng ảnh mà còn quyết định tới hình dáng của ảnh.

Mỗi ống kính được tạo bởi nhiều thấu kính và một cửa điều sáng có thể điều chỉnh to hay nhỏ. Kích thước của cửa điều sáng này khi chụp một bức ảnh gọi là khẩu độ của ống kính (aperture).

Giá trị to hay nhỏ của cửa điều sáng trên ống kính thường được tính bằng một hệ số, ví dụ, f/1, f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/32, f/64. Chính vì đây là một hệ số nên chỉ số càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn, chỉ số càng lớn khẩu độ đóng càng nhỏ. Bạn có thể xem hình bên dưới để có khái niệm về khẩu độ:

 Chỉ số càng nhỏ, khẩu độ mở càng lớn

 Khẩu độ quyết định tới độ sâu trường ảnh. Nếu bạn muốn độ sâu trường ảnh thấp nhằm làm nổi bật đối tượng và để cảnh nền nhòe, có thể chọn khẩu độ rộng như f2/8. Ngược lại, nếu chọn đối tượng ảnh là cảnh nền, hãy tùy chỉnh khẩu độ hẹp, chẳng hạn f/22

II – TỐC ĐỘ CỬA TRẬP

Trong cấu tạo của máy ảnh, chắn trước cảm biến thu nhận ánh sáng là nhiều lá thép để không cho ánh sáng đi tới cảm biến khi máy ảnh chưa “chụp ảnh” được gọi là cửa trập. Khi bấm nút chụp, cửa trập mở ra để ánh sáng đi vào cảm biến và đóng lại rất nhanh. Thời gian cửa trập mở rồi đóng lại nhanh hay chậm chính là tốc độ của cửa trập.

Cửa trập mở lâu thì thời gian phơi sáng của cảm biến sẽ lâu hơn và cảm biến sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn, làm cho ảnh sáng hơn và ngược lại.

Thời gian cửa trập mở rồi đóng rất nhanh và thường được tính 1/s và s. Ví dụ: 1s, 1/2, 1/4, 1/8, 1/15, 1/30, 1/60, 1/125, 1/250, 1/500, 1/1000, 1/2000, 1/4000, 1/8000.

 Tốc độ cửa trập quyết định đối tượng ảnh di chuyển mờ hay rõ. Tốc độ chậm sẽ làm ảnh mờ hơn và ngược

lại.

III – ISO

ISO là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới độ sáng, tối của một bức ảnh. Là độ nhạy bắt sáng của phim hay cảm biến quang trên máy ảnh kỹ thuật số. ISO càng cao thì cảm biến bắt sáng càng nhạy, giúp giảm thời gian phơi sáng. Tuy nhiên, ISO càng tăng thì độ nhiễu màu và hạt càng tăng. Vì vậy, xu hướng khi chụp là cố gắng giữ ISO ở mức thấp nhất. Sau khi đã mở khẩu độ tối đa cũng như giảm tốc độ cửa chập xuống hết mức cho phép mà ảnh vẫn không đủ sáng người ta mới phải dùng đến việc tăng độ nhạy ISO, như là một giải pháp cuối cùng. Bạn hãy xem hình dưới đây để thấy sự khác nhau giữa ISO thấp và cao.

Khi bạn đã đọc và hiểu được 3 yếu tố cơ bản, bây giờ là lúc tổng kết lại để có những trực quan về sự tương tác giữa 3 yếu tố này.

 Để có được những bức ảnh đẹp nhất, còn phụ thuộc vào rất nhiều chế độ khác nhau.

Chẳng hạn:

–          Chế độ đo sáng: Multi-zone, Centre-weighted, Spot

–          Chế độ phơi sáng: Aperture Priority, Shutter Priority

–          Chế độ AF và Drive

 Nhưng 3 yếu tố nêu trên gồm tốc độ cửa trập, khẩu độ và ISO là các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh và các hiệu ứng hình ảnh khác. Việc kết hợp hài hòa 3 yếu tố này để có ánh sáng đẹp và chuẩn xác nhất chính là điểm căn bản trong nghệ thuật nhiếp ảnh từ xưa tới nay.

IV – Thủ Thuật bạn bỏ túi về Iso – Tốc độ – Khẩu độ

Thủ thuật này giúp người bắt đầu chơi chụp ảnh. Sau khi tìm hiểu cái máy ảnh, cấu trúc hoạt động, thao tác các nút bấm… thì việc hiểu và phối hợp ISO – Tốc độ – Khẩu độ là vấn đề đeo đuổi các bạn rất lâu trong thời gian học chụp ảnh. 

* Ghi nhớ ngắn gọn:

  • ISO là độ nhạy sáng – nó ảnh hưởng đến độ nhiễu hạt (noise)
  • Khẩu độ là độ mở lớn/nhỏ cho ánh sáng đi qua – nó ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (dof).
  • Tốc độ màn trập (shutter) là thời lượng màn trập mở để ánh sáng tiếp xúc với bề mặt cảm biến ảnh – nó ảnh hưởng đến độ sắc nét/mờ nhoè với đối tượng chuyển động.

* Giải thích dài dòng:
Khẩu độ ống kính
Khẩu độ là một lỗ hổng trong ống kính được tạo ra bởi các lá thép chồng chéo lên nhau. Các lá thép dịch chuyển tạo thành độ mở cho khẩu độ lớn hoặc nhỏ. Khẩu độ lớn thì ánh sáng đi qua nhiều, và ngược lại khép nhỏ khẩu độ thì ánh sáng đi qua ít. Khẩu độ thông thường trên ống kính có các nấc sau: 1.0 – 1.4 – 2 – 2.8 – 4 – 5.6 – 8 – 11 – 16 – 22 – 32. Số càng nhỏ thì độ mở của khẩu độ càng lớn. Mỗi nấc thường được gọi là 1 khẩu. Xoay vòng từ 5.6 -> 8 gọi là khép 1 khẩu và lượng sáng giảm 1/2, xoay từ 5.6 -> 4 gọi là mở 1 khẩu và lượng sáng tăng gấp đôi.

Khoảng cách mà chủ đề hoặc sự vật hiện rõ nét trong khung ảnh được gọi là vùng ảnh rõ, độ sâu trường ảnh hoặc gọi là chiều sâu ảnh trường (depth of field – dof). Chính khẩu độ ảnh hưởng đến chiều sâu ảnh trường này. Khẩu độ khép càng nhỏ thì vùng ảnh rõ càng sâu; khẩu độ mở càng lớn thì vùng ảnh rõ càng cạn.

Tốc độ màn trập
Tốc độ của màn trập xác định khoảng thời gian ánh sáng sẽ tác động vào bộ cảm biến và được điều chỉnh bằng một vòng chỉnh tốc độ trên thân máy (shutter dial). Các chỉ số chỉ tốc độ màn trập là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s – 15s – 8s – 4s – 2s – 1s – 2 – 4 – 8 – 15 – 30 – 6- – 125 – 250 – 500 – 1000 – 2000 – 4000 – 8000 …
Mỗi nấc tốc độ tương ứng thời gian màn trập mở nhanh gấp đôi nấc đứng trước nó và bằng 1/2 nấc đứng sau nó. 1/125 nhanh gấp đôi tốc độ 1/60 và 1/250 nhanh gấp đôi 1/125 chẳng hạn.

Phối hợp tốc độ và khẩu độ
Tốc độ và khẩu độ sẽ được phối hợp với nhau để điều chỉnh lượng sáng tác dụng vào bộ cảm biến. Để dễ hình dung, ta ví dụ cái ly hứng nước ở cái vòi. Vòi mở lớn, ly nhanh đầy. Vặn vòi nhỏ cho rỉ từng giọt, cái ly đầy nước sau một khoảng thời gian dài. Tốc độ và khẩu độ làm việc với nhau gần như vậy.

Với lượng sáng lớn (khẩu lớn) thì cảm biến chỉ cần khoảng thời gian lộ sáng ngắn (tốc độ nhanh) là nhận đủ lượng sáng cần thiết (đủ sáng). Với cùng một cường độ sáng, cặp thông số 1/500 – f/4, 1/125 – f/5.6, 1/60 – f/8 hay 1/30 – f/11 … có cùng lượng sáng vào bộ cảm biến như nhau.

Như vậy, với cùng một cường độ sáng, ta có thể dùng nhiều cặp tốc độ khẩu độ khác nhau để cho cùng một lượng sáng như nhau đi vào cảm biến ảnh. Nói cách khác, với một giá trị lộ sáng (exposure value – EV), ta có nhiều tuỳ chọn thời chụp (tốc độ phối hợp với khẩu độ) khác nhau tuỳ ý đồ riêng. Chẳng hạn muốn lấy vùng ảnh rõ (dof) thật sâu thì dùng tốc độ chậm – khẩu độ nhỏ, muốn bắt dính chuyển động thì dùng tốc độ nhanh – khẩu độ lớn.

Bài viết liên quan

0986.751.698